Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chủ trì Hội nghị.
Hội nghị công bố Quy hoạch
Tham dự tại điểm cầu tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có ông Lê Ngọc Khánh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Sở Giao thông vận tải và các sở, ngành liên quan.
Cụ thể, về năng lực, hệ thống cảng biển đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa, giao thương giữa các vùng, miền trong cả nước và hàng trung chuyển, quá cảnh cho các nước trong khu vực cũng như nhu cầu vận tải hành khách nội địa và quốc tế; thông qua lượng hàng hóa từ 1.140 đến 1.423 triệu tấn (trong đó hàng container từ 38 đến 47 triệu TEU); hành khách từ 10,1 đến 10,3 triệu lượt.Tại Hội nghị, đại diện Bộ GTVT đã công bố Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch xác định mục tiêu đến năm 2030 sẽ phát triển hệ thống cảng biển đồng bộ, hiện đại, dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, an toàn hàng hải và bảo vệ môi trường; nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần đưa nước ta cơ bản trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
Về kết cấu hạ tầng, Quy hoạch ưu tiên phát triển các khu bến cảng cửa ngõ quốc tế; các cảng biển quy mô lớn phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của cả nước hoặc liên vùng; các bến cảng khách quốc tế gắn với các vùng động lực phát triển du lịch; các bến cảng quy mô lớn phục vụ các khu kinh tế, khu công nghiệp; các bến cảng tại các huyện đảo phục vụ phát triển kinh tế – xã hội gắn với quốc phòng – an ninh và chủ quyền biển đảo.
Tầm nhìn đến năm 2050, nước ta phát triển hệ thống cảng biển đồng bộ, hiện đại ngang tầm với khu vực và thế giới, đáp ứng các tiêu chí cảng xanh; là trụ cột chính có vai trò động lực, dẫn dắt, phát triển thành công kinh tế hàng hải; đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 4,0 đến 4,5%/năm, hành khách tăng trưởng bình quân khoảng từ 1,2 đến 1,3 %/năm.
Theo Quy hoạch, hệ thống cảng biển Việt Nam có 4 loại gồm:
Cảng biển đặc biệt (Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu);
Cảng biển loại I (Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Cần Thơ, Long An, Trà Vinh);
Cảng biển loại II (Quảng Bình, Quảng Trị, Ninh Thuận, Bình Thuận, Hậu Giang, Đồng Tháp);
Cảng biển loại III (Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Phú Yên, Bình Dương, Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau).
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, việc công bố Quy hoạch tổng thể phát triển Hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là kết quả của những nỗ lực rất lớn của Bộ trong công tác xây dựng quy hoạch nhằm góp phần xây dựng hoàn tất 37 quy hoạch tổng thể chuyên ngành của cả nước theo Luật Quy hoạch mới; đồng thời tạo tiền đề cho kinh tế – xã hội đất nước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Bộ trưởng đề nghị các bộ, ngành tiếp tục ủng hộ ngành GTVT bằng cơ chế, chính sách, kinh nghiệm của mình để hoàn thiện quy hoạch chi tiết các cụm cảng trọng điểm, đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt, hàng không nhằm liên kết hệ thống cảng biển tốt hơn. Các địa phương có quy hoạch cảng biển tích cực nỗ lực cùng với Bộ GTVT cụ thể hóa quy hoạch chi tiết các cảng; tăng cường kêu gọi xúc tiến, “trải thảm” mời gọi các nhà đầu tư rót vốn xây dựng cảng biển, giúp tạo ra đột phá về kinh tế – xã hội; trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề vướng mắc, bất cập thì phối hợp Bộ GTVT tham mưu Chính phủ điều chỉnh cho phù hợp.
Bản đồ Quy hoạch hệ thống Cảng biển Việt Nam