Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng – đèn xanh đã bật
Từ cuối năm 2021, khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, nền kinh tế mở cửa trở lại, những tín hiệu khởi sắc đã xuất hiện trên thị trường bất động sản nhà ở. Trong quý I/2022, cùng với diễn biến sôi động của loại hình bất động sản nhà ở, đà phục hồi của bất động sản nghỉ dưỡng trở nên rõ nét hơn.
Theo giới chuyên gia, nguyên nhân chính tác động đến sự hồi phục của bất động sản nghỉ dưỡng bao gồm du lịch được khởi động và ghi nhận những bước tăng trưởng đáng chú ý. Du lịch phát triển sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản nghỉ dưỡng “trở lại đường đua” và có thể sẽ bắt đầu khởi sắc từ quý II/2022.
Cụ thể, báo cáo của DKRA cho hay, trong quý I/2022 Ioại hình bất động sản nghỉ dưỡng có tín hiệu khởi sắc ở hầu hết các các phân khúc. Cụ thể, nguồn cung biệt thự nghỉ dưỡng đạt khoảng 1.020 căn, tỷ lệ tiêu thụ đạt 57% (khoảng 579 căn) trên nguồn cung mới.
Phân khúc nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng trong khu phức hợp đón nhận nguồn cung mới khoảng 2.768 căn, tăng 4% so với quý trước và gấp 12,4 lần so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tiêu thụ đạt xấp xỉ 87%, tương đương 2.408 căn, tăng 4% so với quý IV/2021 và gấp 14,7 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Riêng condotel ghi nhận 613 căn mở bán, tỷ lệ tiêu thụ đạt 32% nguồn cung mới, tương đương 199 căn, gấp 3,3 lần so với quý IV/2021 nhưng chỉ bằng 43% so với cùng kỳ năm 2021.
Đơn vị này cũng dự báo, trong quý II/2022, nguồn cung mới condotel và biệt thự nghỉ dưỡng có thể tăng, tập trung chủ yếu ở những thị trường quen thuộc như: Bà Rịa – Vũng Tàu, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận, Thanh Hóa.
Sức cầu chung toàn thị trường vẫn dự kiến tăng nhẹ so với quý trước, giao dịch tập trung chủ yếu vào loại hình nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng, biệt thự nghỉ dưỡng thuộc những dự án được phát triển bởi các chủ đầu tư lớn, uy tín.
Ông Võ Hồng Thắng, Phó Giám đốc R&D DKRA Vietnam cho hay, việc hoàn thiện sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đầu tư 2020 và Luật Đất đai 2013 liên quan đến pháp lý của bất động sản du lịch sẽ tạo ra tiền đề tích cực cho bất động sản nghỉ dưỡng khởi sắc.
Dự kiến trong năm nay, Bộ Xây dựng sẽ hoàn thiện khung pháp lý cho loại hình condotel, officetel và shophouse để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng. Đây là một trong những nền tảng vững chắc thúc đẩy tốc độ phát triển của condotel, officetel… đồng thời củng cố niềm tin của khách hàng và nhà đầu tư đối với các phân khúc này.
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản, du lịch Việt Nam trong 2 năm vừa qua, từ 2020 – 2021 chứng kiến sự gia nhập của nhiều chủ đầu tư có kinh nghiệm và tiềm lực tài chính mạnh với những dự án quy mô lớn từ vài trăm đến hàng nghìn héc-ta.
Bất chấp những ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều thương hiệu quản lý – vận hành quốc tế 4 – 6 sao có mặt tại các tâm điểm du lịch góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ lưu trú nhằm tăng cường khả năng thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong thời gian sắp tới.
Đa phần các dự án lớn sở hữu hệ sinh thái đa tiện ích, được vận hành bởi các thương hiệu quốc tế sẽ được khách hàng quan tâm nhiều hơn nhờ khả năng đảm bảo dòng tiền khai thác và lợi nhuận kỳ vọng.
Song song với những tín hiệu lạc quan về du lịch, tiến độ hoàn thiện thủ tục pháp lý liên tiếp trong những tháng đầu năm 2022, các yếu tố về chính sách và kinh tế vĩ mô của Nhà nước như gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ của Chính phủ để kích cầu và hỗ trợ phục hồi nền kinh tế sau đại dịch, phân bổ ngân sách đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông, điều chỉnh lãi suất ngân hàng… đang mở ra nhiều cơ hội mới để các phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng nói riêng và thị trường bất động sản nói chung phát triển sôi động trở lại.
Chia sẻ về xu hướng đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng trong năm 2022, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc khu vực miền Nam Batdongsan.com.vn cũng cho biết thêm, tầm nhìn trong dài hạn, bất động sản nghỉ dưỡng với những tiềm năng phát triển đột phá sẽ trở thành phân khúc quan trọng và chủ chốt của thị trường. Theo đó, khách mua bất động sản nghỉ dưỡng thường sẽ có tâm lý đầu tư dài hạn hơn là lướt sóng trong ngắn hạn.
“Không chỉ phụ thuộc vào các thị trường truyền thống, xu hướng đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng sắp tới có thể dịch chuyển đến các thị trường mới, sở hữu tiềm năng về du lịch, lợi thế về quỹ đất, hạ tầng, quy hoạch địa phương và chính sách thu hút đầu tư như Quy Nhơn, Phước Hải, Long Hải…”, ông Đinh Minh Tuấn dự báo.
Doanh nghiệp và cuộc đua mở rộng quỹ đất bất động sản nghỉ dưỡng
Trước nhiều động lực tăng trưởng, doanh nghiệp địa ốc cũng hướng đến những kế hoạch lạc quan để tăng tốc trong năm nay, trong đó có việc đấy nhanh tiến độ các dự án và mở rộng quỹ đất bất động sản nghỉ dưỡng.
Đơn cử như Tập đoàn Novaland cũng liên tục có động thái mở rộng thị phần bất động sản khi công bố việc thành lập công ty con là Công ty TNHH Đầu tư Địa ốc Novaland Đất Tâm. Cũng trong tháng 1 vừa qua, liên doanh này đã đưa ra ý tưởng quy hoạch dự án khu du lịch với quy mô lên đến 23.500ha tại huyện Đắk GLong và Vườn quốc gia Tà Nùng.
Còn Tập đoàn Hưng Thịnh cũng đã chính thức bố giai đoạn I Dự án Khu du lịch Hải Giang Merry Land (Bình Định) rộng hơn 623,71ha với tổng vốn đầu tư lên đến 47.000 tỷ đồng (hơn 2 tỷ USD). Dự án được kỳ vọng sẽ giải bài toán thiếu nguồn cung khách sạn – resort hạng sang, đồng thời góp phần hình thành phân khúc du lịch cao cấp, siêu cao cấp tại Bình Định. Dự án được quy hoạch 15 phân khu, trong đó Phân khu Canal District sẽ ra mắt trong năm 2022 gồm 36 tuyến phố.
Cũng tại Đại hội đồng cổ đông của Tập đoàn CEO mới đây, doanh nghiệp này cho biết sẽ đẩy mạnh việc phát triển quỹ đất bằng việc tham gia đấu thầu, đấu giá, M&A, hợp tác đầu tư các dự án có tiềm năng, phù hợp với định hướng phát triển của tập đoàn. Trong năm 2022, tập đoàn có kế hoạch phát triển thêm các dự án mới trên địa bàn cả nước với tổng quy mô gấp rưỡi hoặc gấp đôi hiện nay để đảm bảo quỹ đất phát triển cho nhiều năm tới.
Nhận định về xu hướng mở rộng quỹ đất của doanh nghiệp, bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc CBRE chi nhánh Hà Nội cho hay, phân khúc du lịch nghỉ dưỡng và bất động sản nghỉ dưỡng chịu nhiều tác động tiêu cực nhất do ảnh hưởng của đại dịch trong hai năm vừa qua, cùng với lượng khách trong nước và quốc tế đã giảm tới trên 80%.
Tuy nhiên, sau đại dịch, các xu hướng vốn đã có tiền đề phát triển từ trước và bị trì hoãn bởi đại dịch như du lịch, nghỉ dưỡng và sở hữu căn nhà thứ hai sẽ có nhiều tiềm năng để tăng trưởng trở lại.
Bên cạnh nghỉ dưỡng biển và sở hữu các bất động sản du lịch biển thì xu hướng nghỉ dưỡng ven đô, đặc biệt ở các địa phương có điều kiện tự nhiên phong phú như ven sông, tựa núi và đặc biệt nằm trong bán kính lái xe 2 – 3 giờ từ các thành phố lớn sẽ được thị trường chú ý nhiều hơn.
“Nhu cầu nghỉ dưỡng, tái tạo sức khỏe sau thời gian bận rộn đến từ người dân thành phố, cùng với sự gia tăng nhanh chóng thu nhập và tài sản tích lũy sẽ là động lực cho xu hướng này phát triển trong thời gian tới.
Đây lý do khiến nhiều nhà đầu tư và nhà phát triển bất động sản gần đây đang tích cực tìm kiếm, mở rộng quỹ đất ở các vị trí phù hợp để triển khai các dự án nghỉ dưỡng”, bà An nhận định.